Tranh dân gian là gì?
-
Tranh dân gian là những tác phẩm được sáng tác để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được lưu truyền qua từng thế hệ. Tranh dân gian tại Việt Nam thường gồm hai loại tranh chính là tranh thờ và tranh Tết với các làng tranh có tiếng như tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Khác với các tác phẩm tranh nghệ thuật hiện đại được sản xuất bởi một số ít người và thường có nhiều mẫu mã khác nhau.
-
Tranh dân gian thường được in với số lượng lớn với cùng một nguyên mẫu để phục vụ tất cả mọi người. Tranh dân gian dần dần không chỉ là những tác phẩm riêng của những tầng lớp bình dân nghèo khó mà trở thành một nét nghệ thuật đại chúng được sử dụng rộng rãi bởi cả quan lại quý tộc. Ngày nay những làng nghề tranh dân gian không còn được phát triển như trước đây. Tuy nhiên những tác phẩm tranh dân gian Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao và được coi là đặc trưng nghệ thuật độc đáo cần được lưu giữ và bảo tồn.

Đặc điểm tranh dân gian Việt Nam:
- Tranh dân gian Việt Nam thường được in ấn với số lượng lớn, với phong cách vẽ dựng hình theo kiểu lấy các nét khoanh, mảng màu để bao lại toàn hình. Các thành phần trong tranh không cố định mà được thiết kế di động để có thể quan sát với nhiều góc độ khác nhau với cách tạo màu đặc biệt để nhằm làm cho bức tranh trở lên ưa nhìn hơn. Tranh dân gian thường sử dụng các bản khắc gỗ để có thể sản xuất với số lượng lớn và nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam khá giống với phong cách sản xuất hiện đại ngày nay.
- Các loại màu trong tranh dân gian Việt Nam được tổng hợp từ những màu sắc từ tự nhiên như than, rỉ đồng, hoa hòe, lá chàm, quả dành dành, vỏ điệp, tro, sỏi đồi… Giúp cho màu sắc trong bức tranh trở lên thật hơn và gần gũi với người xem. Những màu sắc này được vẽ trên giấy điệp, giấy dó giúp cho bức tranh bền hơn, không nhòe và ít khi bị mối mọt, ẩm mốc. Có thể nói nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam đã đạt đến trình độ tổng hợp màu sắc và nguyên vật liệu khá cao so với những gì có thể đáp ứng được tại thời điểm đó.
- Bố cục của các bức tranh dân gian Việt Nam thường được vẽ theo quan niệm “sống” hơn “giống” do đó mỗi đường nét đều được gạn lọc, thuần khiết sao cho tạo nên những cảm nhận chân thật nhất cho người xem thay vì vẽ đúng luật. Nhờ đó nhìn từ nhiều góc độ bức tranh vẫn giữ nguyên được những màu sắc, hình ảnh đặc trưng nhất của mình.
Các loại tranh dân gian Việt Nam:
- Tranh Đông Hồ thường được gọi là tranh làng Hồ được phát triển từ thế kỷ 17 và phát triển đến nửa đầu thế kỷ 20. Những tác phẩm trong tranh làng Hồ thường mang trong mình những giá trị văn hóa to lớn về đời sống hàng ngày của nhân dân. Các tác phẩm nội bật như bịt mắt bắt dê, hứng dừa, đám cưới chuột, đánh ghen, Phú Quý, Nhân Nghĩa. Cách in ấn của dòng tranh này khá đặc trưng khi sử dụng các ván khắc gỗ để in tranh , tranh có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu lần in.
- Mặc dù không còn được ưa chuộng như trước đây tuy nhiên tranh Đông Hồ hiện nay được xem như một biểu tượng của nghệ thuật văn hóa dân gian Việt Nam và được đánh giá rất cao bởi tính nghệ thuật cũng như cách thức sản xuất đặc trưng của nó.


- Tranh Hàng Trống: Khác với tranh làng Hồ thường hướng đến những chủ đề về cuộc sống hàng ngày thì các tác phẩm tranh Hàng Trống thường dùng để thờ cúng nhiều hơn. Với những tác phẩm mang nặng tư tưởng của Nho giáo và Phật Giáo như Ngũ Hổ, Phật Bà Quan Âm… Những tác phẩm tranh Hàng Trống được tạo hình không hề đúng với công thức chuẩn mà chỉ sao cho thuận mắt và ưa nhìn với người xem. Dòng tranh dân gian này không sử dụng hoàn toàn bản khắc gỗ để in và chỉ in “một nửa” sau đó sử dụng các công cụ để tô vẽ lại nhờ đó những màu sắc được chăm chút hơn và đa dạng hơn. Tạo nên sức hấp dẫn riêng và đặc trưng của dòng tranh này so với các dòng tranh dân gian khác.


- Tranh làng Sình: được phát triển ở một làng quê ven con sông Hương thơ mộng với những đường nét và bố cục thô sơ chất phác hồn nhiên. Ở đó người họa sĩ có thể thỏa sức sáng tạo theo mong muốn và khả năng của bản thân mình. Tranh làng Sình có nhiều kiểu in vẽ khác nhau như là với bản in khổ lớn thì đặt bản khắc nằm dưới đất sau đó dùng phết để đập dập một đầu sau đó quét màu đen để in lên trên ván. Sau đó phủ giấy lên trên dùng miếng xơ mướp xoa đều cho ăn màu rồi bóc giấy ra.Đối với các bức tranh nhỏ thì đặt từng tập xuống dưới rồi lấy ván in dập lên. Đặc trưng của tranh làng Sình đó là mỗi màu đều có chỗ cố định trên tranh tạo nên sự hài hòa về màu sắc phù hợp với ý nghĩa của từng bức tranh.


- Tranh Kim Hoàng: Tương tự như tranh Đông Hồ dòng tranh này gắn liền với cuộc sống quen thuộc của người dân với những chủ đề như đời sống làng quê, cảnh ngày Tết, ông Táo. Ngoài ra dòng tranh này thường được điểm thêm những câu thơ chữ Hán theo lối chữ thảo trên góc trái của bức tranh. Nhờ đó tạo nên một tổng thể hài hòa, chặt chẽ và điểm nhấn riêng để nhận biết với các dòng tranh khác.
- Khác với tranh Đông Hồ dòng tranh Kim Hoàng chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen trên giấy rồi dựa vào đó tự chấm phá theo cách vẽ của người họa sĩ. Vì thế dù được in ra từ một bản khắc nhưng mỗi bức tranh đều có những nét riêng tạo nên sự hấp dẫn của dòng tranh này với người sử dụng.

